Với sự phát triển của công nghệ sản xuất màn hình hiện nay, giá thành của các loại thiết bị như TV, màn hình máy tính,… đang ngày càng đi xuống. Giờ đây, bạn hoàn toàn có thể sở hữu 1 chiếc TV cỡ lớn, độ phân giải cao trên màn hình lên tới trên 40 inch với mức giá cực kì hợp lý. Vậy, liệu bạn có nên dùng TV để làm màn hình máy tính?
Dùng Tivi làm Màn hình Máy tính liệu có khả thi?
Câu trả lời là: “Có”. Tuy vậy, có thể bạn sẽ cần thêm 1 số loại nối đặc biệt tùy thuộc vào loại cổng input/ ouput trên TV và máy tính của bạn.
Các loại TV hiện nay đều có cổng input HDMI, một số các dòng cũ hơn thì sử dụng kết nối DVI, hoặc đôi khi là và VGA. Nếu máy tính của bạn có cổng ouput HDMI, hãy dùng nó. Còn nếu không, ví dụ PC của bạn sử dụng card màn hình khá cũ và chỉ có output DVI, chỉ cần mua dây kết nối từ 1 đầu DVI chuyển sang 1 đầu HDMI (khá rẻ và phổ biến trên thị trường) là bạn có thể dễ dàng kết nối máy tính với chiếc TV của bạn. Mặc dù một số TV có cổng VGA input cho mục đích sử dụng với máy tính, và có thể máy tính của bạn cũng đồng thời có cổng VGA output, đừng sử dụng kết nối này. Những giao thức kết nối dạng analog như VGA sẽ cho tín hiệu không ổn định, cũng như thiếu khả năng truyền tải hình ảnh độ nét cao như HDMI hay DVI.
Vậy có nên dùng Tivi làm Màn hình Máy tính?
Rất tiếc lần này, câu trả lời sẽ thường là: “Không”.
Phần lớn các TV với giá bán hợp lý hiện nay có độ phân giải Full HD, hay 1080p (1920×1080 pixels). Trên các màn hình laptop 15.6 inch, hay màn hình máy tính với kích thước khoảng 24-27 inch, hình ảnh hiển thị trên màn hình ở 1080p tương đối sắc nét, ngay cả khi khoảng cách giữa mắt bạn và màn hình chỉ chưa tới 1 mét. Trên một chiếc TV 32 inch đặt ngay trước mặt, mọi thứ không được tuyệt vời như vậy. Ở độ phân giải này, nếu đặt một chiếc TV ở cách mắt 1 mét, bạn thậm chí có thể nhìn được từng điểm ảnh tách biệt.
Điểm quan trọng bạn cần chú ý, không phải là độ phân giải, mà là mật độ điểm ảnh, hay nói cách khác, số điểm ảnh tồn tại trong mỗi 1 inch diện tích màn hình. Đơn vị thường dùng để đo con số này là ppi (pixels per inch/ số điểm ảnh trên mỗi inch). Một chiếc laptop 15.6 inch có chung độ phân giải với một chiếc TV 32 inch, nhưng do kích thước màn hình bé hơn nên mật độ điểm ảnh trên chiếc laptop lớn hơn nhiều, khiến cho hình ảnh hiển thị không bị vỡ hay mờ khi nhìn ở khoảng cách gần. Ngược lại, kích thước quá lớn của TV, tuy nhìn khá “thích mắt” nhưng lại phản tác dụng ở điểm này, ở khoảng cách gần người dùng có thể nhìn khá rõ các điểm ảnh tách biệt, khiến hình ảnh hiển thị trên màn hình không sắc nét mà có xu hướng răng cưa. Không phải là vô lý khi các nhà sản xuất khuyến cáo người dùng đặt màn hình cách mắt ít nhất 3-5m.
Không chỉ vậy, TV không phải là thiết bị được sản xuất hướng tới mục đích chơi game. Do đó, nó không đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản của màn hình chơi game như độ trễ hay thời gian phản hồi thấp. Trong những trò chơi tiết tấu nhanh và yêu cầu phản ứng ngay tức khắc như các game bắn súng, một tình huống “tay đã di mà trên màn hình chuột chưa chạy” có thể dẫn đến một tình huống thua mạng “tức tưởi”. Vậy nhưng điều này là hoàn toàn có thể xảy ra nếu bạn sử dụng TV để làm màn hình máy tính. Bên cạnh đó, một số loại màn hình chuyên game cao cấp còn được tích hợp các công nghệ “hỗ trợ tận răng” như G-sync của Nvidia hay Free Sync của AMD giúp hình ảnh chuyển động mượt mà kể cả trong trường hợp FPS thấp, tần số quét cao lên tới 144Hz, thậm chí 240Hz.
Kết luận
Việc sử dụng TV làm màn hình máy tính không phải là chỉ toàn bất lợi. Đối với những người sử dụng máy tính vào mục đích giải trí nhẹ nhàng như lướt web hay xem phim, và đặt màn hình ở khoảng cách xa, việc thường có kích thước hiển thị lớn hơn so với những chiếc màn hình có cùng mức giá sẽ khiến TV trở thành một lựa chọn sáng giá. Trái lại, nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc màn hình để chơi game, một chiếc màn hình có kích thước vừa phải sẽ cho bạn khả năng bao quát tầm nhìn, kiểm soát tốt hơn các tình tiết đang diễn ra, bên cạnh đó một số công nghệ hỗ trợ chơi game của màn hình chuyên dụng cũng sẽ cho bạn những lợi thế nhất định so với đối thủ.
Cám ơn công ty đã cung cấp thông tin này cho mình, thông tin mình đang cần